Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Biểu hiện viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ

Trừ những trường hợp đặc biệt, tụ cầu thường gây viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ đơn độc, ít khi hai khớp và rất ít khi viêm hai khớp đối xứng. Vị trí viêm đứng đầu là khớp gối, rồi đến khớp háng, sau đó là các khớp khác.

Bệnh sử: có một giá trị đặc biệt trong chẩn đoán viêm khớp, thường đi sau một nhiễm tụ cầu ở nơi khác như mụn nhọt, viêm cơ, nhiễm khuẩn huyết, hoặc sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc vào khớp (Hydrocortison).

Các dấu hiệu ở khớp thường xuất hiện sau 1-2 tuần.

Dấu hiệu toàn thân: cũng như mọi biểu hiện nhiễm khuẩn ở nơi khác, bệnh nhân có sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục lúc đầu và dao động khi có hiện tượng nung mủ, người gầy sút, mệt mỏi, da khô, lưỡi bẩn…

Đau và hạn chế vận động: bệnh nhân đau nhiều kiểu nhức mủ, đau liên tục nhất là khi vận động thì đau trội cho nên không dám và không thể vận động, bệnh nhân có xu hướng giữ khớp ở tư thế cố định nửa co, thường phải độn chân hoặc đệm ở bên dưới để tránh đau.

Biểu hiện viêm: những khớp ngoại biên (gối, khuỷu, cổ chân …) dễ quan sát khi thăm khám. Ta thấy khớp sưng rõ rệt, da ngoài đỏ và căng, sờ vào nóng và rất đau, vận động mọi động tác đều hạn chế vì đau. Ở khớp gối, viêm gây tiết dịch nhiều, có dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè và sưng phù lan cả sang phần dưới mặt trước đùi.

Đối với các khớp ở sâu như háng, vai, biểu hiện viêm kín đáo hơn, phải thăm khám kỹ và nhất là phải so sánh với bên lành mới phát hiện được.

Diễn biến: nếu không được điều trị, các triệu chứng ở khớp kéo dài và tăng dần, không bao giờ di chuyển sang khớp khác hoặc giảm đi một cách nhanh chóng, đây là một đặc điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh khớp khác.

Biểu hiện viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ
Biểu hiện viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ


Xét nghiệm dịch khớp: rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị. Chọc dịch khớp giúp cho xác định chẩn đoán, phân lập loại vi khuẩn, làm kháng sinh đồ, chọc tháo mủ, theo dõi đánh giá kết quả điều trị.

Về cấu tạo: dịch khớp trở nên đục, có màu vàng, độ quánh giảm.

Sinh hóa: lượng mucin giảm, glucose giảm.

Tế bào: số lượng tế bào tăng nhiều, phần lớn là đa nhân trung tính, một số thoái hóa thành tế bào mủ.

Vi khuẩn: phết dịch khớp trên phiến kính, nhuộm gram soi trực tiếp. Cấy trên môi trường. Làm kháng sinh đồ để sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp. Nhiều khi phải soi và cấy nhiều lần mới thấy vi khuẩn.

Dấu hiệu Xquang:

Thời gian đầu khi tổn thương mới khu trú ở màng hoạt dịch (thường từ 1 đến 2 tuần) chỉ thấy đầu xương mất vôi nhẹ, phần mềm quanh khớp hơi tăng cản quang do phù nề. Những dấu hiệu này không có giá trị đặc hiệu.

Khi bệnh tiến triển, thương tổn lan sang phần sụn khớp và đầu xương, hình ảnh Xquang có khe khớp hẹp, diện khớp nham nhở không đều.

Khi bệnh đã quá nặng và kéo dài (nhiều tháng), khe khớp hẹp nhiều, có chỗ dính, diện khớp nham nhở, đầu xương xen kẽ các thương tổn hủy hoại và tái tạo. Khớp có thể di lệch hoàn toàn hoặc một phần.

►Xem thêm: Đau nhức toàn thân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét